Phụng Vụ Lời Chúa Tuần 3 Thường Niên Năm C

Trọng kính Cộng đồng Dân Chúa,

Như thường lệ chúng ta trước hết hãy theo dõi bài suy niệm và chia sẻ cho CN 3 TN Năm C mở đầu của Đức TGM Ngô Quang Kiệt,
sau đó chúng ta tiếp tục với toàn bộ PVLC kèm theo các bài chia sẻ cùng hạnh các thánh ở những đường kết nối từng ngày trong tuần.


Chúa Nhật Thường Niên

ỨNG NGHIỆM LỜI CHÚA

 

I.TẤM BÁNH LỜI CHÚA

- Nk 8,2-4a.6.8-10

- 1Cr 12.12-30

Lc 1, 1-4 ; 4, 14-21

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ


Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Tin mừng nhiều lần đề cập đến điều này. Chẳng hạn như: được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện. Hôm nay, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, Người đi rao giảng khắp miền Galilêa. Trở về Nazareth, Người đọc Sách Thánh trong Hội đường đúng đọan nói về Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Nhiều lần Tin Mừng nói Chúa Giêsu tràn đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Nhờ đâu được như thế? Một phần nhờ việc đọc Sách Thánh.

Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Tin Mừng hôm nay diễn tả: “Rồi Chúa Giêsu đến Nazareth, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabbat, và đứng lên đọc Sách Thánh”. Yêu mến và gắn bó với hội đường, nên Chúa Giêsu thường xuyên đến sinh họat với mọi người trong hội đường. Yêu mến và gắn bó với Sách Thánh nên Chúa Giêsu thường xuyên đọc Sách Thánh. Còn hơn thế nữa, sau khi đọc, Người đứng ra giải nghĩa cho mọi người. Đó là nếp sinh họat bình thường của Người. Nếp sinh họat này đã thành thói quen từ khi Người còn nhỏ bé. Nên ngay từ khi lên 12 tuổi, Người đã có thể đối đáp với các bậc tiến sĩ trong đền thờ Giêrusalem.

Chúa Giêsu kính cẩn đọc Sách Thánh. Chúa Giêsu không đọc Sách Thánh theo thói quen. Người đọc một cách trịnh trọng kính cẩn. Ta hãy chiêm ngắm thái độ của Người theo lời diễn tả của thánh Luca: “Họ trao cho Người cuốn sách tiên tri Isaia. Người mở ra và đọc... Người cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ”. Thật là trang nghiêm kính cẩn. Thái độ của Người ảnh hưởng đến cả hội đường. Nên khi Người đọc mọi người đều chăm chú nhìn Người. Chúa Giêsu trân trọng việc đọc Sách Thánh vì Người luôn thao thức tìm thánh ý Chúa Cha. Người đọc Sách Thánh để tìm hướng dẫn cho cuộc đời. Người đọc Sách Thánh để mong chu toàn thánh ý Chúa Cha. Người nhận biết thánh ý Chúa Cha qua những trang Sách Thánh. Người cố đọc giữa những hàng chữ để tìm thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu nghiêm túc thực hành lời Sách Thánh. Khi nói với mọi người rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”, Chúa Giêsu muốn nói hai điều. Điều thứ nhất: Người tìm thấy thánh ý Chúa Cha qua đọan Sách Thánh. Với thái độ kính cẩn, với lòng khiêm tốn hiếu thảo lắng nghe, Chúa Giêsu đã đọc được thánh ý Chúa Cha qua đoạn sách tiên tri Isaia. Biết lời tiên tri Isaia ứng nghiệm vào sứ mạng của mình. Điều thứ hai: Biết được thánh ý Chúa Cha rồi, Chúa Giêsu cương quyết thực hành. Người coi đó là chương trình hành động. Người coi đó là chỉ nam hướng dẫn. Dù sứ mạng của Người vừa mới khởi đầu, Người cũng cương quyết hoàn thành. Suốt đời Người sẽ thực hành chương trình này. Vì thế đọan sách Isaia ứng nghiệm vừa do thánh ý Chúa Cha vừa do ý chí của Chúa Giêsu quyết tâm thực hành thánh ý Chúa Cha.

Đây là mẫu gương cho ta. Đó là kết quả của Ơn Chúa Thánh Thần. Hãy thường xuyên đọc Kinh Thánh để ta luôn được tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy kính cẩn tìm thánh ý Chúa trong Kinh Thánh chắc chắn ta sẽ được ơn Chúa soi sáng cho biết đường đi. Nhất là hãy quyết tâm thực hành Lời Chúa mà ta đã đọc. Ta sẽ được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Thật vậy, chẳng ai có thể say mê Kinh Thánh nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần lôi cuốn. Chẳng ai tìm được thánh ý Thiên Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần soi sáng. Chẳng ai có thể thực hành Lời Chúa nếu không được Ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ. Như một tác động hai chiều. Càng được Ơn Chúa Thánh Thần ta càng say mê Kinh Thánh. Càng say mê Kinh Thánh ta lại càng để Chúa Thánh Thần hướng dẫn cuộc đời. Cuộc đời sống theo Ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ hoàn toàn ứng nghiệm ý định của Thiên Chúa cho bản thân và cho tha nhân. Đó chính là cuộc đời đạt được mục đích cao quí nhất.

III. TẤM BÁNH HOÁ NHIỀU

1. Bạn có thường xuyên đọc Kinh Thánh không?

2. Bạn tìm gì trong sách Kinh Thánh: khôn ngoan, lịch sử hay thánh ý Thiên Chúa cho đời bạn?

3. Khi đọc Kinh Thánh bạn có nghĩ rằng Chúa đang nói với bạn không?

4. Bạn có thấy một câu Kinh Thánh ứng nghiệm vào bạn và bạn quyết tâm thực hiện không?

 

Tuần III

Tác nhân Thần Linh hiện thực sứ vụ Năm Hồng Ân của Đấng Thiên Sai - 

https://youtube.com/live/SBIGZaMJIKU

MTN.CNIII-C.mp3 /  https://youtu.be/MLrAVugVgUg

DTCPhanxico.HuanTuTruyenTinCNIII-C.mp3 / 

https://youtu.be/iKw9MFqfBeQ

DTCPhanxico-BaiGiangCNIIIC-NgayCNLC2022.mp3 /

 https://youtu.be/J5JymQSaU3E

Cách thức Suy niệm Phụng vụ Lời Chúa - 

https://youtube.com/live/cTIBd5xVPso

ThanhTimotheu-ThanhTito.mp3 / 

https://youtu.be/j7W2JJF1jAg (26/1 - Chúa Nhật)

TN.III-2.mp3

ThanhAngelaMerici.mp3 /

 https://youtu.be/NfoE1NN5DkM (27/1 - Thứ 2)

 TN.III-3.mp3

 LeThanhTomaTienSi.mp3 / ThanhTomaTienSiHoiThanh.mp3 /

 https://youtu.be/tGf8zgExMWo (28/1 - Thứ 3)

TN.III-4.mp3

LeDauNamAmLich.mp3 / 

https://youtu.be/n_kXNcbN7gE (29/1 - Thứ 4 Mùng 1 Tết)

TN.III-5.mp3

ChiCoLTXCMoiLamNenNgayXuanNgayTet.mp3 /

 https://www.youtube.com/watch?v=6Oq6_OLdlj0 (30/1 - Thứ 5 Mùng 2 Tết)

TN.III-6.mp3 

(31/1 - Thứ 6 Mùng 3 Tết)

ThanhGioanBosco.mp3 /

 https://youtu.be/0hYiZSPVIc0 (31/1 - Thứ Sáu)

TN.III-7.mp3

 

Đức Kitô Thien Sai

Hai Chúa Nhật đầu tiên (1 và 2) của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, bao giờ cũng là bài Phúc Âm Nhất Lãm (theo chu kỳ A-B-C) về sự kiện Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa (Chúa Nhật 1), và bao giờ cũng là bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan (cho cả 3 chu kỳ A-B-C) về sự kiện Người bắt đầu tỏ mình ra qua môi giới Tiền Hô Gioan Tẩy Giả (hai bài Phúc Âm liền nhau, một cho chu kỳ A và một cho chu kỳ B) cũng như qua môi giới Mẹ của Người ở Tiệc Cưới Cana (bài Phúc Âm cho chu kỳ C tiếp sau 2 bài Phúc Âm cho chu kỳ B và A). 

Phải nói rằng ở Chúa Nhật tuần 3 của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, Chúa Giêsu mới thực sự trực tiếp tỏ mình ta cho dân chúng. Nếu trong bài Phúc Âm của chu kỳ A theo Thánh Mathêu, Chúa Giêsu tỏ mình ra bắt đầu ở miền đất đông đảo dân ngoại sống như ánh sáng chiếu trong tăm tối, và trong bài Phúc Âm của chu kỳ B theo Thánh Marco, Chúa Giêsu tỏ mình ra ở lời rao giảng tiên khởi của Người cũng như ở việc tuyển chọn 4 môn đệ đầu tiên, thì trong bài Phúc Âm chu kỳ C theo Thánh Luca hôm nay, Chúa Giêsu tỏ mình ra ở Hội Đường Nazarét là nơi Người khẳng định Người chính là Đấng Thiên Sai Cứu Thế được Tiên Tri Isaia báo trước:

"Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: 'Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng'. Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: 'Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe'".

Thật vậy, nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này, nhân vật đã được Tiền Hô Gioan Tẩy Giả tiên báo và làm chứng là Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài, Đấng sẽ "làm phép rửa Thánh Linh" (Gioan 1:27,33), Vị cũng đã được Tiền Hô Gioan Tẩy Giả giới thiệu với chung dân chúng "là Chiên Thiên Chúa" (Mathêu 1:29 - Bài Phúc Âm Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm A) cũng như với riêng các môn đệ của ngài hôm sau đó "là Chiên Thiên Chúa" (Mathêu 1:36 - Bài Phúc Âm Chúa Nhật 2 Thường Niên Năm B), và là Vị, qua môi giới của mẹ mình, đã tỏ mình ra cho 4-6 môn đệ đầu tiên ở Tiệc Cưới Cana (xem Gioan 2:11), quả thực là chính Đấng Thiên Sai được Tiên Tri Isaia báo trước, như chính Người đã tự nhận trong bài Phúc Âm của Thánh ký Luca hôm nay, cũng như đã được Thánh ký Luca ghi nhận ngay đầu bài Phúc Âm hôm nay thế này: "Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng". 

Thật vậy, yếu tố chính yếu bất khả thiếu làm nên Vị Thiên Sai Cứu Thế nơi nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét đây là Thánh Linh, hay nói cách khác hoặc nói ngược lại, Thánh Linh là dấu chứng thực nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét đây là Đấng Thiên Sai Cứu Thế: đúng như Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã nhận biết và giới thiệu, cũng như Mẹ Maria đã nhận biết và dọn đường để Người tỏ mình ra ở Tiệc Cưới Cana, một Vị Thánh Linh đã tác tạo nên chung nhân tính và riêng thân xác của Người trong cung dạ trinh nguyên của Mẹ Maria, cũng là Vị Thánh Linh đã thánh hóa thai nhi Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ngay từ trong bụng mẹ khi bé mới được 6 tháng thai, và là Vị Thánh Linh được Tiền Hô Gioan Tẩy Giả thấy như chim bồ câu đậu trên nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét sau khi Người lãnh nhận phép rửa, như một dấu chứng thực nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét này chính là Con Thiên Chúa (xem Gioan 1:31-34): "Con là Con yêu dấu của Cha. Cha hài lòng về Con" (Luca 3:22).

Trong bài Phúc Âm hôm nay, câu Chúa Giêsu tuyên bố 'Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe'", Người chẳng những xác nhận tính chất chính xác và trung thực nơi các chứng từ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng như vai trò của Mẹ Maria trong sứ vụ đồng công cứu chuộc với Người, mà còn báo trước những chứng từ của chính bản thân Người trong tương lai mà Người sẽ đích thân tỏ ra cho chung dân chúng và riêng các môn đệ của Người thấy rằng Người quả là Đấng Thiên Sai Cứu Thế, bởi Người đã được Xức Dầu Thánh Linh, Đấng ngự nơi Người và tác hành trong Người như một động lực thần linh để Người có thể hoàn trọn tất cả những gì Thiên Chúa muốn Người thực hiện với sứ mệnh Thiên Sai Cứu Thế của Người, một sứ mệnh bao gồm 3 vai trò chính yếu là vai trò giải thoát như một vị vương đế, vai trò chữa lành như một vị tư tế và vai trò rao giảng như một vị ngôn xứ, đúng như lời tiên tri Isaia mà Người đã đọc và công nhận là ứng nghiệm ở nơi Người.

Nếu Phúc Âm của Thánh ký Luca là cuốn phúc âm thuật lại tất cả những gì Chúa Giêsu làm theo 3 vai trò của một Đấng Thiên Sai Cứu Thế này của Người thì các bài Phúc Âm theo chu kỳ phụng vụ Năm C ở các tuần lễ Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh hay hậu Phục Sinh cũng xuất phát từ những gì được Chúa Giêsu xác nhận là "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe", một "hôm nay", về thời gian bao gồm cả những ngày sau đó, cả những gì Người nói và làm, cho tới khi Người hoàn thành cuộc Vượt Qua của Người, nhưng về thực tại lại là chính bản thân của Người, một bản thân được Xức Dầu Thánh Linh để "đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng", mà ngay bấy giờ, trong hội đường hôm ấy (đối với chúng ta bây giờ) cũng là "hôm nay" (đối với Chúa Giêsu bấy giờ), đang thực hiện những gì Tiên Tri Isaia báo trước về Người ở môi trường của một hội đường lúc ấy có sự hiện diện của mọi người trong dân chúng đang cần được Người giải thoát, được chữa lành và được rao giảng.